Có Những Thằng Con Trai Như Thế

Mùa đông năm 1989. Trời rét như cắt. Những đọt cỏ non ven sông Mã ướp một màu sương trắng xóa. Phía xa bờ, mặt nước óng ánh le lói chút hơi ấm nhỏ nhoi. Hai đứa trẻ tám tuổi, ngã người trên ụ rơm vàng chóa, ươn ướt. Bên trên, trời nhỏ từng giọt nắng hiếm hoi, sưởi ấm một tí cho vùng đồng bằng Bắc Trung bộ độ giao mùa.



Bất chấp đợt giá lạnh kéo dài mấy tuần qua, nét hân hoan vẫn hiện rõ trên khuôn mặt từng người dân thôn Vạn Thọ vùng Thọ Xuân, Thanh Hóa. Và rộn ràng hơn hết phải là những đứa nhỏ, bởi đây là lần đầu tiên chúng chứng kiến một đám cưới đặc biệt. Cô dâu người Sài Gòn!



[...]

Thằng Đất, con Sét lớn lên ở một vùng không thể quê hơn nữa. Những câu chuyện của ba mẹ chúng thời Nam tiến đã thắp lên trong mỗi đứa một mơ hồ riêng về vùng đất trù phú – nơi những con người ăn mặc sang trọng và nói giọng Nam, nghe còn ngọt hơn cả ruộng mía phía sau nhà ông trưởng thôn – như lời thầy (0) thằng Đất kể lúc còn sống. Xa xa, tiếng hò reo của bọn trẻ trong thôn vẫn vang lên đều đặn



Thằng Đất mấp môi nghiến cọng rơm khô, mặt chuyển méo xẹo. Nó chạnh lòng. Hầu hết mọi gia đình trong thôn, ai cũng có phần. Người ta vui như trẩy hội, đua nhau vận những bộ đồ đẹp nhất có thể … Nhà nó không được mời – bởi quá nghèo. Ừ mà nó cũng chẳng thèm. Vốn dĩ nó có ưa gì Thép, thằng béo múp con út ông trưởng thôn và bà mẹ cũng phì không kém, nổi tiếng chua ngoa, hung dữ nhất vùng.

- Sét! Sao mi (1) không về ăn tiệc với thầy mi đi!
Đất phun cọng rơm ra khỏi miệng, nhởm người hỏi Sét.

- Em không thích.
Con sét nghoe nguẩy, cười lộ cả hàm răng toàn xiếc (2), đen thui. Hai đứa bằng tuổi, nhưng Sét đã quen gọi Đất bằng anh từ hồi nhỏ.

- Thế còn anh?
Sét hỏi lại, hơi nheo nheo mắt vì chóa.

- Tao cũng không thích!
Mớ rơm đâm ngứa, thằng Đất nhởm mông gãi soàn soạt. Con Sét che miệng cười hí hí.

Tiếng chói tai vang lên sau lưng hai đứa. Thằng Thép khệ nệ vác cái bụng căng đầy đồ ăn và nước ngọt, hả hê cười the thé, giễu.



- Chứ chẳng phải nhà mi không có phần à! Thằng bê đê suốt ngày chơi với con gái!

- Anh Đất không có bê đê.
Con Sét ngồi dậy quát Thép. Trong khi Đất vẫn nằm ỳ vờ như không nghe. Thằng Thép lại cười giọng cao ngất.

- Thế mi bảo nó đánh lộn với tao ni (3)! Con giai (4) mà cứ rút đít mẹ và háng con gái thế. Hèn khiếp!
Thép kết thúc bằng một cái bĩu môi xệ tới đất.

Đất đứng dậy. Bỏ đi. Mẹ từng dặn nó, đừng kiếm chuyện với nhà bà trưởng thôn. Vì xét về khoản nhỏ nhen, bênh con thì chẳng ai qua bà ấy. Cho dù chồng bả là một người tốt bụng và liêm trực. Vả lại, Đất chưa bao giờ thèm đôi co với Thép. Nó biết, có đôi co cũng chẳng được ích lợi gì. Cứ nó là nó!

Con Sét lật đật chạy theo. Thằng Thép giương mắt nhìn, giẫm chân tức tối!

[...]

Ngót nghét đã chục năm. Sông Mã hiền lành ôm trọn vùng quê trù phú, và chứng kiến biết bao thay đổi cũng chừng ấy năm. Thằng Đất, con Sét, thằng Thép giờ đã trở thành những thằng giai, con gái xuân xanh, mơn mởn. Đất giờ cứng cáp, rất đẹp giai và học giỏi nhất vùng, tuy vẫn mảnh khảnh nhưng chẳng phải xanh xao ốm đói, trông ẻo lả như hồi ấy. Sét trổ mã, ngực, mông có thừa, nhan sắc chẳng kém chị kém em. Thép thay đổi nhiều hơn hết. Nó không còn béo, ngược lại cơ thể săn chắc, cao to, vạm vỡ. Giọng đã trầm xuống. Mọi người ai cũng khen gia đình ông trưởng thôn nuôi con hay đáo để.

Mẹ Đất đã thôi làm nghề gặt mướn, vốn bấp bênh và theo mùa. Bà được ba thằng Thép cho thuê miếng đất năm xưa trồng mía, hằng ngày chăm bẩm mớ cải xanh. Cũng vì thế mà ụ rơm quen thuộc ngày càng xơ xác, chẳng đầy đặn như xưa. Đất không muốn mất đi thứ tài sản duy nhất và cũng là chút tuổi thơ ít ỏi còn sót. Tới mùa gặt, sau những buổi học, Đất hay đi xin rơm, chất bó rồi đem về đắp vào ụ của mình. Để những buổi chiều hoàng hôn rãnh rỗi, nó lại rủ Sét, hai đứa nằm dài nghe dế ráy, rồi tâm sự, trò chuyện đủ điều.

Thằng Thép khoái con Sét. Điều này ai cũng biết. Và Thép xem Đất như tình địch. Điều này thì chỉ có thằng Đất, con Sét giả vờ không biết. Vì nếu Đất là một thằng giai khác trong làng, nó sẽ phải tránh xa con Sét. Mặc dù Thép không còn du côn và hay bắt nạt như lúc nhỏ, nhưng thằng này nổi tiếng giống mẹ, thù dai vô cùng. Chả ai dại gây chuyện với hai mẹ con nhà đấy. Và mỗi lần nghe “Thép ghen vì Đất và Sét cứ hay hẹn hò riêng”, thằng Đất bật cười.

Ai lại đi ghen với người không thích con gái kia chứ!

Chiều rót tia nắng nhạt, nhuộm vàng mái tóc, óng ả lẫn vào những sợi rơm tươi rói Đất mới đắp. Thằng giai phủi tay, chép môi đầy sảng khoái ngắm nhìn cơ ngơi hoành tráng mà mình gìn giữ bấy lâu. Nhoài người, nó ngả lưng lên đống nệm dày sột soạt. Đất đã quen với sự ngứa ngáy. Nó chu mõm, huýt sáo véo von.

Thằng giai lớn rồi. Tâm sinh lý cũng thay đổi theo. Bọn thanh niên trong thôn ai cũng có đôi, có cặp. Vậy mà nó chẳng có. Nó không biết phải thích ai. Mọi người tưởng nó với con Sét là một cặp. Nhưng nó hiểu hơn hết, hai đứa đơn thuần chỉ là bạn tâm đầu ý hợp. Nó cũng muốn thử thích Sét. Vậy mà mỗi lần bên cạnh Sét, nó chẳng có hơn một chút cảm giác nào, ngoài sự thoải mái Sét đem lại qua những chuyện nói xấu Thép. Nó cũng muốn hỏi lắm, Sét đã biết yêu chưa. Nó chỉ chắc chắn một điều rằng, Sét không thích nó.

Ừ, tình cảm mình đối với ai, thì đó là người biết rõ nhất!

- Hạnh phúc là gì Sét?
Đất buộc miệng. Sét chau mắt nhìn nó. Hỏi xong, Đất cũng phát hiện mình vừa phát ngôn một câu ngu ngốc. Nó tự biết hạnh phúc của nó là gì mà!

Hạnh phúc. Là những câu chuyện về một thời bom đạn, về người Sài Gòn, về lính Mỹ mà hồi nhỏ thầy kể cho nó nghe. Hạnh phúc này đã biến mất từ lúc thầy qua đời. Hạnh phúc. Là bát cơm đầy, mẹ gắp cho nó một khía cá kho, vỗ đầu nó rồi giục: “Ăn đi con, ăn cho mập giống thằng Thép ấy!”. Hạnh phúc mong manh, nó chẳng biết sẽ mất khi nào, bởi mẹ đã xanh xao và gầy gọp, xương cốt nhức nhối mỗi lúc giở giời (5). Hạnh phúc. Là những lúc nằm ngắm trời, ngắm đất, ngắm rơm và nói đủ thứ. Nó yêu hơn hết cái hạnh phúc này!

Nhưng cũng không hẳn Đất chỉ toàn hạnh phúc. Bên trong con người nó là cả một sự xâu xé. Nó biết nó là ai. Nhưng nó không thể sống như thế. Đôi khi nó tự hỏi trong cái thôn nghèo này còn bao nhiêu thằng giai giống như nó, cuộc sống chỉ toàn những nếp gượng gạo, giả tạo. Nó chưa bao giờ kể cho Sét hay bất cứ ai nghe về những điều này. Và nhiều lúc, nó muốn làm một cái gì đó để giải thoát cho mình!

Thực tâm, Đất không muốn cuộc đời nó là cả một vở kịch dài …

[...]

Thằng Thép càng lớn tính tình càng đổi. Nó bớt hống hách, kiêu căng, bớt chửi mắng, ăn hiếp người khác. Nó hay giúp đỡ người nghèo, lễ phép với người già. Và nhất là nó đã thôi gọi thằng Đất bê đê. Bọn thanh niên trong vùng kháu rằng, đó là hệ quả của việc thương Sét. Vì nó cũng biết, con Sét từ nhỏ ghét cái tính anh cả, chuyên bắt nạt – nhất là bắt nạt Đất. Và cũng không biết tự bao giờ, Thép bắt đầu nói chuyện lịch sự, nhã nhặn với Đất, nhất là những lúc có Sét đi bên cạnh.

Đất không ưa Thép, Sét là người biết rõ hơn cả. Thép là một chủ để bất tận trong những buổi trò chuyện của hai đứa. Đôi khi, Sét còn mang cả vấn đề Thép thích nó ra để nói. Và thường thì Đất luôn kết thúc bằng câu: “Thằng Thép có mơ tới già cũng chẳng lấy được em”, rồi cười ngất ngưỡng. Những lúc như thế, con Sét chẳng nói gì, cũng chẳng tỏ vẻ tán đồng gì. Nó chỉ đưa mắt về một hướng xa xôi nào đó, tự hỏi: “Tại sao nó không thể ngừng nhắc đến tên Thép, dù chỉ là nói xấu!”.

Đúng thế, có những thứ cứ lặp đi lặp lại, rồi vô tình ăn sâu vào trong máu thịt, nghiễm nhiên tồn tại như một phần cơ thể khó tách rời!

Mùa đông lại ùa về thôn Vạn Thọ với những cơn rét cắt da cắt thịt. Mẹ thằng Đất lại cắn răn chịu đựng cơn buốt tận tủy mà chẳng dám than vì sợ nó lo. Ngoài đường, không khí lạnh thấm cả vào những hạt đất và ụ rơm. Mây giăng kín bầu trời, đục ngầu, tô thêm vẻ ảm đạm của buổi chiều tháng mười không nắng. Thằng Đất dang tay ôm con Sét, nép mình dưới lớp rơm dày để đỡ một phần gió. Chúng muốn la cà chưa chịu về. Rồi bỗng nhiên, tiếng bước chân ầm ầm bất chợt vang lên từ xa. Thằng Thép biết chiều chiều hai đứa thường ở đây, nó định bụng sẽ tìm ra và bắt chuyện. Nhưng khi vừa thấy cảnh tượng ấy, Thép đã quay lưng bỏ chạy. Đôi mắt sắc lại, đầy vẻ căm thù! Sét đẩy Đất ra, với gọi Thép. Thằng Thép cắm đầu chạy. Bỏ con Sắt ở lại với vẻ mặt lo lắng, hoang mang.

- Cứ để nó nghĩ hai đứa mình quen nhau, cho nó khỏi bám víu em. Rãnh nợ!
Đất nói giọng hả hê, nghe như thể mọi chuyện chẳng có gì. Nhưng Sét thì khác. Nó tự hiểu những suy nghĩ bên trong con người nó. Chỉ có điều nó không biết phải làm sao thôi. Rồi nó thở dài thườn thượt.

Đêm hôm đó, cả thôn được ru bởi những đợt heo may từ phương Bắc ùa về, ai cũng say sưa ngủ. Chẳng hay, Vạn Thọ rực sáng cả một vùng. Không khí bị đốt nóng, lửa cháy bập bùng. Tiếng nổ lộp độp của những hạt đất bị nung đỏ không đủ lay mọi người dậy. Màn đêm tắt dần cùng với tiếng chó tru tréo. Khói cuồn cuộn bốc lên nghi ngút.

Rốt cuộc, ụ rơm đã làm gì nên tội mà phải nhận kết cục bi thảm thế!

Sáng sớm, những người đi thăm rẫy ngạc nhiên nhìn cột khói to. Nơi trước kia là ụ rơm vàng vọt, giờ chỉ còn trơ đống tro tàn, đen đủi. Mọi người lần lượt nhún vai nhìn nhau xuýt xoa: “Cũng may lửa không lan vào thôn!”, rồi bỏ đi. Chẳng ai thèm để ý đến nguyên nhân của đám cháy.

Chỉ là một ụ rơm, có đáng gì!

[...]

Người ta thấy Đất xồng xộc chạy tới chặn đầu Thép. Nó giương mắt nhìn trân trân vào khuôn mặt không kém phần gai góc của người đối diện. Thằng Đất nom chỉ bằng ba phần tư Thép.

- Thằng tê (6), sao mi dám đốt nó?
Đất nghiến răng treo tréo. Từ nhỏ giờ, nó vẫn bỏ mặc mọi trò nghịch ngợm, chẳng hay để ý đến những lời chửi bới, xỉ vả của Thép. Nhưng lần này, cơn giận đã lên tới óc. Thằng Đất không thể chịu đựng được, chỉ trong một đêm, tất tần tật tuổi thơ của nó đã cháy rụi. Sạch sẽ!

- Ừ, tao đấy thì sao? Mi làm gì tao nào?
Thép cong môi thách thức. Bên cạnh, tụi thanh niên và trẻ con đã tụ tập đông đủ hò reo cỗ vũ.

- Cấm chúng mày gọi mẹ tao nhá!
Đất thét vào mặt những đứa xung quanh. Rồi nó quẳng cặp sang một bên. Mặt đầy căm phẫn.

- Cha, Đất hôm ni bản lĩnh ghê. Vậy mà tao còn tưởng mi là bê đê chứ!
Thép giễu. Cả bọn xung quanh cười rầm rầm.

Rồi chẳng đợi gì nữa. Đất xông vào, quật Thép xuống đất. Đất đánh. Một cái cho ụ rơm bị đốt. Một cái cho hai chữ bê đê. Một cái cho cả tuổi thơ nhịn nhục. Và nhiều cái cho tức nước vỡ bờ … Thép vốn con nhà giàu, chả phải động tay động chân làm việc. Còn Đất quanh năm vất vả, cộng với sự uẩn ức trực trào nên sức mạnh tăng lên gấp bội. Ai ngờ rằng, một thằng giai mãnh mai như Đất đã khuất phục được cơ bắp săn chắc của Thép. Đất đã chiên thắng vang dội. Xung quanh mấy đứa vỗ tay rần trời. Chắc chúng cũng hả hê lắm!

Lạ thay, thép không xuyên nổi đất!

- Tao cấm! Đừng có mà lếch theo Sét. Sét là của tao. Cái thứ như mi chẳng bao giờ Sét thèm để ý!

Thằng thép lồm cồm bò dậy. Cười lớn tiếng.
- Thế à. Vậy mà sáng nay Sét bảo Sét thích tao đấy.

- Nói láo!
Đất hét to.

- Mày cứ việc hỏi Sét.
Thép bĩu môi rồi quay lưng bỏ đi, vẫn giữ gương mặt ngạo nghễ cho dù mình là kẻ thua cuộc.

[...]

- Vâng, em thích Thép.
Sét gật đầu thú nhận, chẳng dám nhìn vào mặt Đất. Thằng Đất chết trân. Nó không thể tin được, có một ngày nó nghe Sét nói những lời này. Rốt cuộc nó đã thua Thép. Thà nó chịu bại trận vừa rồi, để Thép đấm vào mặt bao nhiêu cũng được. Chứ như vậy thì nhục quá! Nó chẳng biết phải nói gì với Sét đây. Nó chỉ biết một điều, Sét không thể thích cái thứ như thằng Thép được. Rồi nó bỏ chạy. Bởi có đến chết, Đất vẫn không thể lí giải được, tại sao hai đứa đó thương nhau!

Chỉ có những người yêu nhau mới nhận ra được mọi vẻ đẹp tiềm tàng của nhau! Đất chưa yêu, thì làm sao nó biết được chứ!

Kể từ hôm đó, Đất xem Sét như người không quen biết. Rơm cháy, Đất không còn nơi nào trống trải để thả hồn nữa. Nó quyết tâm dành nhiều thời gian phụ mẹ chăm vườn. Và cũng vì thế mà nó phát hiện ra mẹ xanh xao nhiều lắm. Mẹ ho sù sụ cả lúc trời đứng gió. Đêm đêm, nó hay qua giường đấm bóp cho mẹ. Hơn bao giờ hết, nó sợ mất mẹ. Thế gian này chỉ còn mẹ là người duy nhất nó tin tưởng.

[...]



Chuyện thằng Đất đánh bại Thép được tụi thanh niên trong thôn lưu truyền như một huyền thoại. Bản thân Đất thì cứ phập phồng chờ ngày mẹ con thằng Thép sang bán vốn. Thế nhưng mọi chuyện chẳng có gì. Vài đứa bảo, do Thép thua ê mặt quá, nên nó đã cấm mẹ nó sang kiếm chuyện. Phần khác thì giải thích rằng, Thép vô cùng hả dạ khi cướp được Sét, và sẵn lòng bỏ qua mọi thứ. Còn Đất chẳng quan tâm. Nó chỉ biết, hơn mấy tháng qua, nó bình yên.

Xuân chỉ vừa về trên những nụ đào mơn mởn. Mẹ thằng Đất ra đi khi nó vừa bước sang tuổi mười tám. Bà chưa kịp ăn thêm một cái tết. Đám ma, Đất vẫn kiên quyết không nhìn mặt Sét và Thép, mặc dù hai đứa này túc trực lo ma chay, phúng điếu. Thằng Đất hụt hẫng như người mất hồn. Nó khóc nhiều. Và giận mẹ cũng nhiều. Vì mẹ không chịu ở lại với nó nữa. Mẹ không sống để nó khoe mẹ bằng đại học. Mẹ chẳng chờ mà xem thằng con giai của mẹ thành đạt. Dù gì thì mẹ cũng đã cống hiến cả cuộc đời cực khổ lo cho nó. Và chết cũng vì mất sức …

Đất trải qua những ngày tháng tiếp theo vô cùng buồn tẻ. Nó chỉ học, học và sống cuộc đời của một đứa trẻ mồ côi. Nó đã đậu đại học, nhưng nó không muốn lên Hà Nội. Nó thích ở lại quê, hằng ngày tiếp tục công việc cày cuốc mẹ bỏ dở. Và chiều chiều lại ra mộ mẹ, thắp nén nhan, rồi tỉ tê tâm sự với mẹ như với con Sét hồi đó.

Một ngày nọ, ông trưởng thôn gọi nó sang. Ông bảo nó là đứa con ngoan trò giỏi, niềm tự hào duy nhất của thôn. Ông muốn nó tiếp tục học đại học. Ông hứa sẽ hỗ trợ tiền bạc đầy đủ và đó xem như là hộc bổng khuyến học của thôn dành cho nó. Thầy cô giáo cũng đến khuyên răn. Nó phân vân. Nó đã mất mọi thứ, ụ rơm, con Đất, hai tri kỉ nhỏ nhoi của cuộc đời nó. Cái gì sẽ giữ chân nó lại nơi này? Họa chăng chỉ còn nấm mồ nhỏ của mẹ và dòng sông Mã kia là không ai cướp được của nó thôi! Cuối cùng, thằng Đất đồng ý!

Ngày khăn gói lên Hà Nội, Đất đứng trước mộ mẹ khóc dài. Đêm hôm trước, nó suy nghĩ nhiều lắm về Sét. Nó biết nó đã ích kỉ. Nó chẳng có quyền gì bắt Sét không được thích Thép. Nó nhìn Sét, mĩm cười. Sét ôm nó sướt mướt. Thép nhìn theo chẳng nói lời nào.

Thép biết nó đâu còn lí do gì để ghen Đất và Sét nữa!

[...]

Đất bước một mình trên con đường đê, dải đất nổi giữa hai bờ. Trên vai, hành trang bước vào đời nặng trĩu. Đất biết, mọi thứ chỉ vừa bắt đầu với nó. Tất cả còn ở phía trước, khi nó bước chân vào vùng đất xa lạ và đầy cám dỗ. Nhưng hơn hết, nó biết nó sẽ được là nó, được vẫy vùng trong chính bản năng của nó! Và nó chấp nhận cuộc đánh đổi này. Nó cứ bước …

Gió lồng lồng, xốc tung ụ rơm nhỏ. Mùi rơm xông sực nức, đầy luyến tiếc. Phía xa, bóng thằng giai mờ dần, mất hút …


(1) Thầy: từ địa phương: ba, bố, cha.
(2) Mi: từ địa phương: mày.
(3) Xiếc: răng sâu.
(4) Ni: từ địa phương: này.
(5) Con giai: con trai.
(6) Giở giời: trở trời
(7) Tê: từ địa phương: kia.





----------------------------------------
Tác giả: funkboylove
Nguồn: Diễn đàn Tình Yêu Trai Việt

THÔNG BÁO

NẾU CÁC BÀI ĐĂNG BỊ LỖI,

VUI LÒNG BÁO CÁO Ở PHẦN "NHẬN XÉT"

ĐỂ ĐƯỢC KHẮC PHỤC NHANH NHẤT!

All Posted

TRUYỆN MỚI CẬP NHẬT

Video