– Anh…
– Còn điều này chắc anh không biết. Đã mấy ngày nay mẹ thường thủ thỉ với em rằng con đã thấy trong người là lạ chưa. Em hiểu ý mẹ nói gì. Mẹ đang mong có cháu nội đó anh. Nhìn ánh mắt mong đợi của mẹ mà em thương mẹ đến trào nước mắt. Anh Hoàng, anh nói đi! Rốt cuộc thì tại sao? Tại em xấu xí hay tại em đã làm gì nên tội?
– Không đâu Mai à. Em không xấu xí, không có tội lỗi gì hết. Anh… tất cả là do anh. Tất cả là do anh là một thằng con trai khốn nạn!
– Không! Anh không cần phải tự xỉ vả mình như thế. Em hiểu mà. – Tự dưng chị Mai cười, nụ cười thật phũ phàng và chua chát – Em hiểu em xấu, em không xứng với anh nên anh mới không cần em, không yêu em. Nhưng anh Hoàng à, em xin anh một lần thôi có được không anh? Em xin anh hãy cho em một đứa con. Có con rồi em sẽ không đòi hỏi bất cứ cái gì ở anh nữa. Anh muốn đối xử lạnh nhạt với em như thế nào em cũng chịu. Em chỉ cần có thế thôi, được không anh?
– Việc này…
– Anh là nhà văn chắc anh rất hiểu, còn gì đau khổ và phũ phàng hơn đối với một người con gái mà khi đi lấy chồng ngay cả quyền làm vợ, làm mẹ họ cũng không hề có nổi. Đau đớn lắm chứ anh. Họ không được làm mẹ đã đành, đi ra ngoài họ còn bị người ta cười chê là đồ gái không biết đẻ. Em không muốn chuyện đó xảy ra với em, em khao khát được làm mẹ. Vì vậy anh Hoàng ơi, em chỉ cần có một đứa con với anh thôi mà. Chẳng lẽ một mơ ước giản dị như bao người phụ nữ khác mà anh cũng không thể cho em được hay sao?
Chị Mai nhìn anh, ánh mắt van lơn tội nghiệp đến não lòng. Nuốt đau đớn vào tim, anh Hoàng thở dài:
– Thôi muộn rồi đấy em cũng đi ngủ đi. Chuyện con cái để sau này hãy tính.
Cực thân, chị Mai òa lên khóc. Tâm can anh Hoàng cũng như bị từng tiếng khóc của chị Mai cắt thành muôn mảnh nhỏ.
Nỗi buồn và sự dày vò cứ thế trôi trong cuộc sống nặng nề của anh Hoàng và chị Mai. Ngày nào chị Mai cũng khóc, phờ phạc như một cánh hoa tàn. Còn anh Hoàng thì xanh xao, gầy rộc đi trông thấy. Nhìn anh chị mà tôi thương lắm nhưng quả thật là tôi vô dụng.
Một buổi sáng tôi đến nhà anh chơi. Vừa mới bước vào đến sân tôi đã thấy mùi thức ăn thơm phức bốc ra từ trong bếp. Hít thật sâu mùi vị quyến rũ đó, tôi đi vào.
– Anh Hoàng, anh đang làm gì thế?
Ngoảnh mặt lại nhìn, thấy tôi, anh hét lên vui mừng:
– Trời đất! Hải đó hả? Anh đang nấu cơm trưa. Cũng xong rồi, đợi anh dọn ra rồi anh em mình nhâm nhi vài chén nhá!
Nhìn anh, tôi vui vẻ gật đầu.
Ngồi vào bàn ăn tôi ngạc nhiên khi không thấy chị Mai.
– Uả, chị Mai đi đâu rồi mà đích thân anh phải chui vào bếp thế?
– Cô ấy về nhà ngoại rồi.
– Bên gia đình ngoại có chuyện gì hả anh?
Anh nhìn tôi, mỉm cười:
– Hải thật sự không biết chuyện gì à? Anh và Mai đã li hôn rồi. Tòa giải quyết êm thấm từ hơn tuần trước nên bây giờ giữa anh và Mai không còn quan hệ gì nữa.
– Cái gì? – Tôi tròn mắt ngạc nhiên – Anh chị ly hôn rồi?
– Ừ. Anh gật đầu buồn buồn.
– Sao lại thế hả anh?
– Hải biết đây, cuộc sống giữa anh và Mai đâu có hạnh phúc gì đâu. Sống bên nhau mãi chỉ làm cho cả hai thêm đau khổ. Chi bằng anh giải thoát sớm cho cô ấy để cô ấy sớm đi tìm hạnh phúc mới.
– Thế… thế chị Mai dễ dàng kí đơn li hôn với anh sao?
– Không. Mọi chuyện đâu có đơn giản như thế. Đã mấy lần anh tỏ ý đề cập chuyện này với cô ấy, cô ấy đều lắc đầu từ chối. Cô ấy nói cô ấy đã được gả vào họ Phạm thì chết làm ma cũng làm ma nhà họ Phạm. Cô ấy không bao giờ li hôn cả.
– Thế rồi sao?
– Khuyên bảo nhẹ nhàng mãi mà Mai chẳng nghe, anh đành phải lừa dối chính bản thân mình, nuốt cay đắng vào tim mà lớn tiếng với Mai. Hải có biết anh đã nói gì với cô ấy không? Anh mắng cô ấy rằng : Tôi cưới cô cũng chỉ là do bố mẹ tôi thúc ép mà thành, chứ bản thân tôi đâu có yêu đương gì cô. Tôi là một nhà văn, còn cô chỉ là một phụ nữ bần nông, tôi với cô có thể hợp nhau mà chung sống với nhau ư?
Lấy cô rồi tôi mới thấy hối hận, hối hận khi độc giả, đồng nghiệp xì xèo sau lưng tôi rằng tôi không biết nhìn người lấy một người con gái quê một cục. Điều đó càng làm tôi chán chường cô. Việc tôi chưa một lần chạm vào người cô nói lên điều đó. Bây giờ thì tôi không chịu nổi nữa rồi nên tôi khẩn thiết mong cô kí đơn li dị dùm tôi. Li dị với cô tôi sẽ được tự do đi tìm tình yêu và hạnh phúc mới, tương lai của tôi mới có cơ sáng sủa. Còn sống bên cô thì… Bởi vậy cô Mai, tôi xin cô đừng đeo bám cuộc sống của tôi nữa có được không? Tôi xin cô đấy!
Khi ấy Mai khóc nhiều, nhiều lắm. Cô ấy khóc mà không có nổi một lời mắng chửi anh. Thế rồi sáng hôm sau cô ấy đồng ý kí vào đơn li dị.
– Anh…
– Anh khốn nạn, anh đê tiện, anh bỉ ổi, anh xấu xa lắm phải không Hải? Thế đấy, anh là Gay, bản thân anh không thể hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, thế mà anh không dám khẳng định điều đó ra, ngược lại anh còn mắng chửi cô ấy, đổ hết mọi tội lỗi lên đầu cô ấy. Anh đúng là một thằng đàn ông khốn nạn mà Hải ơi!
Tôi thấy tay anh nắm chặt lại, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, những giọt nước mắt cứ thế trào ra trên hai khóe mắt. Anh đang hận bản thân mình. Hận bản thân mình ghê gớm.
Tôi vội vàng cầm lấy tay anh an ủi:
– Bình tĩnh đi mà anh. Không phải thế đâu. Em biết anh làm thế cũng chỉ là muốn tốt cho chị Mai thôi mà.
– Tốt ư? – Anh mỉm cười chua chát – Gái còn trinh mà mang tiếng một đời chồng. Điều đó tốt lắm ư?
– Kìa anh, không ai muốn như vậy mà. Anh đừng trách bản thân mình nữa.
– Không trách mình sao được? Chỉ vì bố mẹ mình, vì cái sĩ diện hão của mình mà anh nhẫn tâm lôi Mai vào vũng lầy của sự đau khổ đời anh. Một mình anh đau khổ anh còn chưa cam tâm, anh còn phải kéo Mai theo nữa. Hải nói đi, anh không khốn nạn thì là gì? Anh không bỉ ổi, không vô liêm xỉ thì là gì nữa?
– Thôi mà anh, mọi chuyện cũng qua rồi. Thế khi li hôn chị Mai có nhận được gì không anh?
– Anh biết anh ngàn lần có lỗi với Mai, bất kể bao nhiêu tiền, bất kể tất cả thứ gì anh cũng đều không thể bù đắp cho cô ấy một cách xứng đáng. Mấy tháng trước anh có bán một mảnh đất và đánh ra được 8 chỉ vàng, anh đưa cho cô ấy hết, hi vọng cô ấy có đồng vốn cho cuộc sống sau này. Rồi mai đây, nếu có người đàn ông nào thật lòng yêu thương cô ấy, cưới cô ấy làm vợ , nhìn cô ấy hạnh phúc thì lòng anh mới thanh thản được Hải ơi!
– Vâng, em cũng mong như thế.
– Anh li dị với Mai, bố mẹ anh bực anh lắm. Bố mẹ anh đã thẳng thừng từ mặt anh rồi đó Hải ạ.
– Dạ, không sao đâu anh. Hai bác giận anh quá nên nóng tính vậy thôi chứ cha mẹ nào mà từ con được?
– Ừ, anh cũng mong là như vậy.
– Anh li hôn với chị Mai, chuyện của chị Mai tạm thời không bàn đến nữa. Còn anh, anh tính sao? Chẳng lẽ anh cứ định sống độc thân đến hết cuộc đời hay sao? Không ai có thể sống đơn độc một mình đến suốt cuộc đời được đâu anh Hoàng ạ.
– Anh hiểu chứ! Chuyện này Hải cũng không phải lo lắng cho anh đâu. Đợi một thời gian nữa mọi chuyện ổn định anh sẽ đến trại trẻ mồ côi xin một đứa bé về làm con nuôi. Dạo này trẻ em bị bỏ rơi nhiều lắm. Hai cha con sống một mái nhà sẽ ấm cúng hơn Hải nhỉ?
Tôi mỉm cười:
– Vâng, anh nghĩ thế là đúng đó.
Tự dưng tôi lại mường tượng ra trong tâm trí cuộc sống mới của anh. Cuộc sống của hai cha con thật ấm áp và hạnh phúc. Nghĩ tới đó lòng tôi như ấm lại.
Phải đến hơn một tháng sau tôi mới đến nhà anh chơi nữa. Lý do tôi không đến được thường xuyên thì tôi đã nói rồi, tất cả là do tôi bận việc gia đình và trường lớp. Còn anh thì chẳng bao giờ đến nhà tôi chơi cả.
Bước vào nhà, tôi sững người khi thấy gian nhà nhỏ la liệt vỏ thuốc, vỏ chanh, bộ ấm chén trên bàn thì đóng cặn lại vàng ố, vài chiếc chén đổ nằm lăn lóc trên bàn… Tôi ngạc nhiên. Anh Hoàng đi đâu mà để nhà cửa bề bộn như thế này nhỉ? Bình thường anh vẫn là người vô cùng gọn gàng và ngăn nắp.
– Anh Hoàng ơi!- Tôi cất tiếng gọi.
” Khụ! khụ! khụ!…” – Một cơn ho dài vang lên rồi giọng anh cất lên đầy mệt mỏi:
– Ai… ai thế?
Tôi giật mình vội vã mở tung cánh cửa phòng ngủ ra. Trên giường, anh Hoàng nằm đó, gầy bủng beo, mặt xanh y như một tàu lá chuối.
– Anh Hoàng, anh làm sao thế? – Tôi vội vàng chạy tới đỡ lấy anh.
– Anh… anh không sao. Anh chỉ mệt một chút thôi.
Đưa tay lên trán anh, tôi sửng sốt:
– Trời ơi! Trán anh nóng hừng hực như than ấy. Anh đã uống thuốc chưa?
– Anh uống rồi.
– Anh ốm lấu chưa?
– Cũng… cũng khoảng bốn, năm ngày gì đó.
– Hả? Vậy… vậy ai ở đây với anh?
– Anh… anh ốm qua loa thôi mà. Đâu có sao đâu.
– Anh đúng thật là. Bị ốm không ai chăm sóc sao không gọi cho em?
– Anh… – Anh mỉm cười – Thì anh có sao đâu.
Tôi mắng:
– Lúc nào cũng bảo có sao đâu. Đợi chết ra đây rồi thì mới có chuyện đúng không?
– Anh đâu có dễ chết thế. Chỉ mệt một chút thôi.
– Nào, để em chở anh đi bệnh viện.
– Không cần đâu mà. Anh cũng đỡ nhiều rồi. Chỉ nghỉ ngơi hai, ba ngày nữa là khỏe thôi.
– Anh nói thật không đấy?
– Thật.
– Để em xem nào. Ôi trời ơi. Người ngợm anh chua quá à. Ốm mà để người bẩn như thế này thì làm sao mà khỏe được?
Tôi cằn nhằn rồi ngay lập tức đi chuẩn bị nước nóng lau người và thay quần áo cho anh. Giúp anh vệ sinh xong, tôi mang quần áo đi giặt, quét tước lại nhà cửa cho gọn gàng ngăn nắp.
– Xong rồi. Anh đúng là làm em buồn quá à. Chỗ anh em với nhau mà anh ốm đau không gọi em gì hết. Anh mà có chuyện gì thì có phải em ân hận cả đời không?
Anh mỉm cười:
– Đã bảo anh không sao mà. Hải cứ cằn nhằn mãi.
– Nào, bây giờ anh muốn ăn gì em mua cho.
Anh chỉ tay về phía chiếc nồi con trên bếp ga:
– Trong đó vẫn còn cháo đấy. Hải lấy giúp anh một bát.
Tôi khẽ gật đầu rồi cầm lấy chiếc bát và mở vung nồi.
– Ôi trời ơi anh Hoàng ơi, cháo thiu hết cả rồi.
– Ừ. Cũng hơi thiu thôi, lúc sáng anh vẫn ăn được mà.
– Bó tay với anh luôn! – Bực tức tôi quát lên mà lòng thương anh da diết – Ốm mà ăn cháo thiu thì bảo sao không chết? Thôi, anh nằm đấy em ra ngoài mua cho anh một bát cháo nóng, một ít sữa, ít thuốc mà dùng.
Cho anh ăn và uống thuốc xong thì đã là bốn rưỡi chiều. Tôi đề nghị:
– Bây giờ em về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi em đến ngủ với anh đêm nay.
– Không được! – Anh lắc đầu – Hải phải về với cô ấy và cháu chứ, không thể ở đây được đâu.
– Nhưng mà…
– Anh biết Hải lo cho anh nhưng anh không sao thật mà. Anh rất khỏe, có thể tự xuống giường và đi lại được.
– Ờ, nếu anh không muốn thì thôi, nhưng anh phải nhớ có chuyện gì thì phải gọi điện cho em đó.
– Ừ, được rồi, anh biết mà.
– Vâng, vậy em về nhá. Sáng mai em sẽ đến thăm anh sớm.
Tôi trở về nhà, đem chuyện anh Hoàng bị ốm kể lại cho Huệ nghe. Tưởng Huệ sẽ đồng cảm cho anh, ai ngờ Huệ nói luôn một tràng làm tôi sửng sốt:
– Ai bảo ông ấy tự kiêu tự đại mà làm gì? Có vợ hiền thì không muốn còn chê người ta quê mùa cục mịch nên nằng nặc đòi li hôn. Bây giờ bị ốm nằm bẹp một chỗ không có ai thuốc thang chăm sóc mới sáng mắt ra. Cực là đáng kiếp!
– Kìa Huệ, chuyện của anh Hoàng em không hiểu thì đừng nói thế!
– Gớm, ai mà chẳng biết hai anh là anh em tốt của nhau nên bênh nhau chằm chặp là đúng. Nói gì thì nói chứ em cũng không thể nào không tức khi ông Hoàng đối xử tệ bạc với chị Mai như thế. Anh thử nghĩ xem trên đời này đâu dễ gì tìm cho ra một người phụ nữ dịu dàng lại hiền thảo như chị Mai? Vậy mà ông Hoàng… Đúng là bị cái danh hão làm mờ hai mắt. Chị Mai là chị ấy hiền nên chị ấy mới dễ dàng ly hôn như vậy. Chứ còn em, không đơn giản như thế đâu. Mà ông Hoàng ấy, cứ chê chị Mai đi, mai sau không biết chừng lấy phải con vợ khác thần nanh đỏ mỏ thì mới sáng mắt ra.
– Em… em không hiểu đâu.
– Em chẳng có gì là không hiểu hết. Sự thật nó bày rành rành ra trước mắt mà anh cứ bênh ông Hoàng cho bằng được. Từ nay trở đi á, em không bao giờ thèm đọc bất cứ tác phẩm nào của ông Hoàng nữa. Cái gì mà nhân nghĩa, cái gì mà tình cảm, cái gì mà đạo đức rồi lí tưởng sống của con người mà ông ấy phơi trên từng trang sách? Giả dối! Giả dối hết! Đúng là nhà văn nói láo, nhà báo nói phét. Các cụ nói chả có bao giờ sai.
– Em… Thôi được rồi. Em muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Hôm nay anh mệt lắm, anh đi ngủ sớm đây.
Tôi không trách Huệ mà chỉ thấy buồn cho anh Hoàng, buồn cho chị Mai, buồn cho hai con người, hai số mệnh.
Một buổi tối đầu hè, anh Hoàng gọi điện hẹn tôi ra quán cà phê. Nghe giọng nói hồ hởi của anh trong điện thoại tôi đoán chắc anh đang có chuyện gì vui lắm.
Tôi đến quán thì đã thấy anh Hoàng ngồi chờ ở đó, bên cạnh anh là một thằng bé con lên bốn lên năm, mặt mày vô cùng kháu khỉnh.
– Anh Hoàng, có chuyện gì mà anh hẹn em ra đây gấp thế?
Anh mỉm cười rồi quay sang nói với thằng bé con bên cạnh:
– Chú Hải đó. Chào chú đi con!
Đứa bé đưa mắt nhìn tôi rồi rụt rè:
– Dạ, cháu chào chú Hải!
Tôi nhìn thằng bé, ngạc nhiên:
– Nó… nó là…
Anh cười:
– Nó là con trai anh đó. Anh mới đón nó về từ trại trẻ mồ côi lúc sáng. Tên nó là Hoàng Hải.
– Hả? – Tôi nhìn thằng bé, mắt sáng lên mừng rỡ, rồi không kiềm chế được, hét toáng lên – Con trai anh đó hả anh Hoàng? Trời ơi! Dễ thương quá nha! Kháu khỉnh quá nha! Nào! Để chú bế cháu cưng của chú xem nào!
Chưa nói dứt câu tôi đã nhào tới nhấc bổng thằng bé vào lòng, áp mặt hôn hít nó ríu rít y như nó là con trai tôi vậy. Anh phì cười:
– Kìa, nhẹ thôi không làm cháu nó sợ.
– Ôi! Cháu của chú đẹp trai quá nha! Mai này ắt hẳn phải làm khối cô chết mê chết mệt. Uả, mà cháu tên gì nào? Nói cho chú nghe rồi chú dẫn cháu đi ăn kem nào!
– Dạ, khi ở trại cháu tên là Quân nhưng bố Hoàng mới đặt lại tên cho cháu là Hoàng Hải.
– Hoàng Hải? – Tôi ngơ ngác nhìn anh.
Anh mỉm cười rồi gật đầu khẳng định. Hoàng Hải – Tên anh và tên tôi ghép lại mà thành.
Thì ra bấy lâu nay, cho dù tôi đã có vợ, cho dù anh mãi mãi không bao giờ đến được với tôi nhưng tôi biết tận sâu trong trái tim anh thì tình yêu mà anh dành cho tôi vẫn không bao giờ phai nhạt.
Tôi mỉm cười. Bất giác trong tâm trí lời bài hát Tình huynh đệ mà anh viết tặng tôi ngân lên da diết:
” Dù mai có cách xa nhau rồi hay khổ đau đắng cay trong đời, hai trái tim con người luôn có nhau…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét